Nhiều cơ hội cho tư nhân đổ vốn vào năng lượng tái tạo

Điện gió và điện trời tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng nên thu hút sự quan tâm đầu tư từ khu vực tư nhân thời gian qua.

Còn dư địa phát triển

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2011 – 2020 được Chính phủ phê duyệt năm 2016, tổng công suất các nhà máy điện cả nước sẽ tăng từ 47.000 MW hiện nay, lên đến 129.500 MW vào năm 2030.

Như vậy, khoảng 82.500 MW nguồn điện mới cần xây dựng và đưa vào vận hành trong khoảng 10 năm tới, cùng các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối. Ưu tiên của Việt Nam giai đoạn này là đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030.

Hàng loạt dự án đầu tư năng lượng tái tạo tư nhân được phát triển những năm qua.

Báo cáo năm 2018 của nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) chỉ ra, bối cảnh ngành năng lượng đang thay đổi ở Việt Nam đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới về đầu tư vào ngành điện và khí. Theo đó, Việt Nam nên ưu tiên phát triển năng lượng bền vững và khuyến khích khối tư nhân tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo, cũng như phát điện truyền tải điện.

Xét về nguồn vốn đầu tư, từ nay đến 2030 nhu cầu vốn cho ngành điện là khoảng 148 tỷ USD. Bên cạnh vai trò quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đầu tư mới vào ngành điện cần phải huy động từ khu vực tư nhân, báo cáo viết.

Tại báo cáo, ông Franz Gerner – Chuyên gia trưởng ngành Kinh tế năng lượng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá giới đầu tư tư nhân rất quan tâm tham gia vào thị trường năng lượng đang lớn mạnh ở Việt Nam, đặc biệt là phát triển năng lượng tái tạo và khí hóa lỏng.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng. Các nghiên cứu cho thấy đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển 20.000 MW điện gió và 35.000 MW điện mặt trời.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, theo đánh giá sẽ làm giảm đáng kể chi phí sản xuất năng lượng tái tạo. Theo hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company, từ 2012 – 2017, giá vốn điện mặt trời tại Việt Nam giảm 75% và điện gió giảm 30%.

Việc phát triển năng lượng tái tạo cũng giúp Việt Nam giảm được 60% nhiên liệu nhập khẩu, đồng thời giảm rủi ro từ biến động giá nhiên liệu. Đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng có thể tạo ra hơn 465.000 việc làm mới từ năm 2017 – 2030, theo McKinsey & Company.

Gia tăng sự tham gia khối tư nhân

Năng lượng tái tạo là một trong số lĩnh vực thu hút sự quan tâm đầu tư từ khu vực tư nhân tại Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9/2018 có hơn 330 dự án điện mặt trời đã và đang chờ phê duyệt và bổ sung vào quy hoạch điện. Trong đó, 121 dự án được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo.

Trong đó có không ít các dự án lớn từ các đơn vị tư nhân. BIM Group cũng là một trong số tập đoàn theo đuổi lĩnh vực năng lượng tái tạo. Dự án BIM Energy của BIM Group đặt tại tỉnh Ninh Thuận, với cụm ba nhà máy có công suất 330 MW dự kiến hòa lưới điện quốc gia trước tháng 6/2019.

“Đây sẽ là cụm nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, với tổng số hơn một triệu tấm pin, có tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Với việc đầu tư vào năng lượng sạch, BIM Energy sẽ góp phần giảm gần 304.400 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm”, đại diện tập đoàn cho biết.

Đầu tư năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn BIM Group.

Nguồn Vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *