NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO – XU HƯỚNG ĐẦU TƯ TOÀN CẦU, LỜI GIẢI TỐI ƯU CHO BÀI TOÁN NĂNG LƯỢNG
“Đầu tư vào năng lượng tái tạo, các quốc gia không chỉ tìm được nguồn năng lượng mới, đời sống của người dân của họ được nâng cao, mà đồng thời còn làm sạch hơn bầu không khí đất nước họ” – Erik Solheim Giám đốc Điều hành chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme – UNEP).
Chúng ta đang ở giữa cuộc cách mạng năng lượng tái tạo (NLTT) toàn cầu, với mức đầu tư tăng lên mạnh mẽ hằng năm. Giai đoạn 2004 đến nay, mức đầu tư cho năng lượng cán mốc hơn 2.9 nghìn tỷ USD cho các nguồn năng lượng xanh. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được các quốc gia thông qua với các mục tiêu về giảm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và cắt giảm khí thải nhà kính. Các chuyên gia nhận định rằng chỉ có thể thực hiện được các mục tiêu này bằng việc thay thế toàn diện và lâu dài các nguồn hóa thạch và sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế. Từ đó, xu hướng đầu tư vào NLTT tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Tăng trưởng đầu tư ở các quốc gia
Năm 2017 đánh dấu mức tăng trưởng kỉ lục của NLTT với mức đầu tư tăng 2% so với năm trước đạt mức 279.8 tỷ USD, công suất lắp đặt tổng đạt mức 157GW so với 143GW từ 2016. Trong đó, chỉ riêng năng lượng mặt trời chiếm 98GW tổng công suất. Điện năng sản xuất từ gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt và thủy điện nhỏ tăng từ 11% trong năm 2016 lên 12.1 % tổng lượng điện năng trong năm 2017. Nhờ đó, lượng khí thải carbon được cắt giảm xuống gần 1.8 ngàn tỷ tấn.
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu trong cuộc đua đầu tư vào NLTT, chỉ riêng quốc gia này đầu tư 126,6 tỷ USD cho các nguồn năng lượng mới, hơn 45% tổng mức đầu tư toàn cầu. Một sự bùng nổ trong năng lượng mặt trời cũng được ghi nhận ở Trung Quốc, nâng tổng công suất lắp đặt lên mức 53GW cũng trong năm 2017.
Trong khi đó, Úc tăng mạnh cho đầu tư vào NLTT, với mức tăng trưởng 147% và 8.5 triệu USD. Ở Mexico, con số này là 810% và 6 triệu USD và Thụy Điển với 127% và 3.7 triệu USD. Các quốc gia khác cũng có sự tăng trưởng mạnh trong đầu tư là Ai Cập với 2.6 tỷ USD gấp 6 lần và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) lên 29 lần với 2.2 tỷ USD.
Xu hướng đầu tư trong giai đoạn tiếp theo
Nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và dự báo các ngành NLTT có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, tạo ra tới 28 triệu việc làm từ nay đến năm 2050.
Đi đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch là các nước châu Âu. Hồi đầu năm nay, các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) đầu tư 873 triệu euro cho các dự án lớn của châu Âu về cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Liên minh năng lượng là một trong những ưu tiên của EC nhằm chuyển đổi châu Âu sang một nền kinh tế sạch và hiện đại. Thụy Điển, Na Uy và Thụy Sĩ là ba quốc gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng; xếp sau là Phần Lan và Đan Mạch. Trong số các nước này, hệ thống năng lượng của Thụy Sĩ được đánh giá tốt hàng đầu thế giới. Tại Thụy Sĩ, gần hai phần ba điện năng được sản xuất bằng thủy điện và năng lượng tái tạo.
Tại châu Á, nhiều quốc gia cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA) cho biết, năng lượng sạch được kỳ vọng sẽ vượt qua than đá về công suất phát điện tại nước này trong khoảng 10 năm tới. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt mục tiêu trong tương lai gần, năng lượng sạch sẽ đóng vai trò chủ đạo trong tiêu thụ điện năng với các loại nhiên liệu phi hóa thạch sẽ chiếm 50% tổng công suất phát điện vào năm 2030. Ấn Độ cũng tập trung vào năng lượng tái tạo. Nước này cùng Pháp đồng sáng lập Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) năm 2016, với mong muốn thúc đẩy năng lượng mặt trời trên quy mô toàn cầu. Ấn Độ đã phát động chương trình mở rộng năng lượng tái tạo và dự kiến đến năm 2022 sẽ sản xuất 175 GW điện từ nguồn năng lượng này. Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch chi khoảng 110 tỷ USD từ nay đến năm 2030 để xây dựng thêm các nhà máy điện mặt trời và điện gió trên cả nước nhằm tăng gấp ba lần tỷ lệ điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo.
Năng Lượng Tái Tạo ở Việt Nam
Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn Năng lượng tái tạo sẵn có của mình. Những nguồn Năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng trong thực tế đã được nhận diện đến nay gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học (KSH), nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, và năng lượng địa nhiệt.
Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), đến năm 2030 điện gió đạt 6.000 MW chiếm tỷ trọng 2,1%; điện mặt trời đạt 12.000 MW chiếm tỷ trọng 3,3% trong tổng sản lượng điện sản xuất. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương đã cấp phép cho 122 dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 8.000 MW, trong đó có khoảng hơn 4.000 MW ký được hợp đồng mua bán điện trước tháng 6.2019. Bên cạnh đó còn có hơn 200 dự án đang được đề xuất phát triển với tổng công suất khoảng gần 17.000 MW.
Tương tự là điện gió, nếu như trước đây, điện gió cũng phát triển rất chậm chạp dù tiềm năng được đánh giá là rất lớn. Tính đến cuối năm 2018, mới chỉ có khoảng 300 MW đã đi vào hoạt động hoặc đang trong giai đoạn triển khai. Tuy nhiên, ngay khi Quyết định 39 có hiệu lực từ tháng 11.2018 nâng giá điện gió từ lên 8,5 cents (trên đất liền) và 9,8 cents (ngoài khơi) trên mỗi kWh tương ứng, áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới đi vào vận hành thương mại trước ngày 1.11.2021 đã thổi một luồng gió mới vào lĩnh vực này. Hàng loạt dự án được đề xuất triển khai. Đây được xem sẽ là cú hích tiếp theo trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Từ những số liệu trên, chúng tôi tin rằng NLTT vẫn đang là mảnh đất màu mỡ đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư. Trong giai đoạn tiếp theo, việc Thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức đi vào vận hành là một sự thay đổi lớn ở thị trường điện Việt Nam, mang lại nhiều cơ hội và những thách thức mới. Vì vậy, chúng ta cần nhận định đầy đủ các yếu tố về chính sách đầu tư và thị trường để có những bước đi đúng đắn.